Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Làm sao TỰ HỌC tiếng Trung và đậu HSK5 trong vòng 10 tháng (extra) : kinh nghiệm đi thi HSK5

Hướng dẫn đi thi HSK5 ở TPHCM.

Đầu tiên là bạn sẽ đăng ký thi ở trường Đại Học Sư Phạm, 280 An Dương Vương, vào cổng gửi xe rồi đi đến khu A, cái khu đối diện trực diện với cổng chính, tầng trệt có cái ngân hàng Agribank ấy, vào thang máy lên lầu 4, tìm cái phòng có tên là ban tiếng Trung rồi thò mặt vào, sau đó sẽ tự động có người hướng dẫn bạn làm các khâu tiếp theo, lệ phí thi là 840.000 (thời giá 2019), quên, trước khi đến nhớ chuẩn bị giấy tờ tùy thân: CMND, 2 tấm hình 3x4 (+ 1 tấm để dành khi đi thi mang theo), form đăng ký dự thi ở đó có, cũng sẽ có người hướng dẫn bạn điền vào luôn.

Cá nhân mình thấy thủ tục lê thê quá đáng, đăng ký xong ở lầu 4 phải chạy xuống lầu 2 làm phiếu đóng tiền rồi phải chạy xuống tầng trệt nộp tiền vô ngân hàng Agribank rồi lại cầm tờ đóng tiền chạy lên lầu 4 lấy giấy xác nhận. Sau đó 10-15 ngày còn phải chạy một chuyến ra đó để lấy phiếu báo danh. Nhưng tự thân vận động thì đành thế thôi. Mình nghĩ nếu đăng ký học ở trung tâm thì mấy khoản đó sẽ có người lo hết.

Sau đó tới ngày thì đi thi.

Một số kinh nghiệm đi thi:

Trên tờ phiếu báo danh của bạn sẽ hướng dẫn chi tiết cần mang theo cái gì, cụ thể là: CMND, 1 tấm hình 3x4, bút chì và gôm. Cứ thế mà đem theo, kỹ tính thì mang 2 cây bút chì, 1 cây chì chuốt 1 cây chì bấm. Kẻo giữa đường cây bút chì gẫy ngòi thì ngồi đó khóc luôn. Mình có đem theo bình nước, nhưng mà, tin mình đi, không có dư ra 1 giây nào để mà uống nước đâu, trừ phi, một là bạn quá siêu nhân, làm dư thời gian, hai là bạn bất lực buông xuôi, ngồi uống nước ngắm giám thị.

Yêu cầu tới sớm 45 phút. Giống như đi máy bay yêu cầu tới trước 3 tiếng đồng hồ á. Một năm đi thi có một lần nên thôi cứ đúng yêu cầu mà làm, dù rằng nếu bạn chỉ tới trước 30 hay 20 phút thôi thì cũng không thành vấn đề lắm. Check cái bản mặt mình trên danh sách thí sinh trước cửa phòng thi. Riêng mình thì công đoạn này hơi khổ sở do mình không có nhận ra cái mặt mình trên danh sách đó, ôi dào, ai mà có thể tự nhận ra hình 3x4 của bản thân chứ, nhìn cứ như đứa trốn trại...

Sau đó thì theo giám thị đọc tên mà vào phòng thi.

Giám thị sẽ phát cho bạn tờ giấy trả lời trước và hướng dẫn bạn điền thông tin vào đó.

Sau đó giám thị sẽ phát cho bạn cái đề thi. Bộ đề thi gồm cả phần nghe, phần đọc và phần viết được niêm phong sơ sài bằng một cái sticker tròn. Yeah, tới giai đoạn gian xảo rồi đây. Giám thị sẽ nhắc nhở bạn tuyệt đối không được mở đề thi ra coi trước, phải đợi thông báo mới rọc cái sticker mở đề ra làm. Nhưng mà, luật bí mật bất thành văn ở đây: đề phát sớm, trước phần thi nghe tầm 5-10p, bạn có thể me lúc giám thị loay hoay sửa cái cassette dùng cho phần nghe mà vạch trang cuối ra xem coi cái hình của đề thi viết văn là cái gì rồi lên dàn ý chuẩn bị trước.

Kể nghe. Mình ngồi trong phòng thi, đang ngơ ngáo, mình cảm giác rõ ràng rằng chính giám thị cũng có phần hơi bao che cho chuyện này nên 2 thầy cô giám thị quay lưng hẳn về phía thí sinh, bạn gái ngồi sau lưng mình vạch đề ra coi, xong cái bạn ấy hốt hoảng, hỏi tất cả mọi người: ê bạn ơi chữ chìa khóa viết làm sao. Mình kiểu, hả? Đầu mình tưng một cái phát hiện chính mình cũng quên bà nó chữ chìa khóa viết như thế nào.

Cái này mình gọi là hội chứng não rỗng. Khác với thi các ngôn ngữ alphabet vốn quá quen thuộc, thi dùng Hán tự thì nếu căng thẳng quá, bạn hoàn toàn có thể quên sạch sành sanh chữ 我 viết như thế nào. Thành ra, vấn đề tinh thần quan trọng lắm, đừng để bản thân quá mất bình tĩnh.

Sau đó sẽ bắt đầu phần thi nghe.

Ngoài lề một chút, mình luyện thi HSK5 bằng các đề ở đây:
https://chinese.com.vn/bo-de-luyen-thi-chung-chi-tieng-trung-hsk-5-moi-nhat.html#De_thi_tieng_Trung_HSK_5_So_1

Khi mình luyện, trừ bỏ phần viết không có ai chấm điểm ra, thì lần nào điểm nghe của mình cũng cao nhất, toàn trên 90 điểm.

Nhưng trong phòng thi, mọi chuyện rất khác.

Mất bình tĩnh là một. Và âm thanh là hai.

Lúc mình tự luyện ở nhà, cái loa laptop của mình rất rõ ràng, không có bị vang vọng. Trong khi cái cassette trong phòng thì, uhm, âm thanh bị vọng lại rất nhiều, thành ra không hề rõ ràng như luyện thi ở nhà. Chưa kể, trong phòng có bạn kia muốn nghe lớn, bạn nọ muốn nghe nhỏ, mình thì lại muốn nghe thật nhỏ thật nhỏ để đừng bị vọng tiếng, nên giám thị chỉ có thể chỉnh vừa vừa, mà theo ý mình, là vẫn quá lớn. Cho nên, mình không có nghe được.

Lúc này mình chỉ có thể nghe từ khóa rồi đoán ý mà thôi. Việc đọc trước đáp án để giúp đoán ra nội dung hội thoại lúc này cũng khiến bản thân quýnh quáng, vì đọc không kịp.

Trong tình huống đó, phải làm sao? Rất đơn giản, bỏ luôn. Mình bỏ hẳn một câu, nhảy qua câu tiếp theo đọc trước đáp án, như vậy mình bắt kịp lại tiến độ liền. Vứt một câu để cứu các câu sau, tập trung 100% tinh thần để mà nghe từ khóa rồi đoán đáp án.

Và, hên quá má ơi, trong phần thi nghe có một câu mà đáp án có chữ "chìa khóa", 钥匙。Mình đồ rằng cô bạn hồi đầu giờ hốt hoảng hỏi xem chữ "chìa khóa" viết thế nào giờ đã thở phào nhẹ nhõm.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, phần nghe trôi đi trong sự ngỡ ngàng của thí sinh. Giám thị nói là sẽ cho thêm 5 phút để check đáp án, lúc này thì bạn sẽ hãy lụi những câu mà lúc nãy đã bỏ qua, đừng có lụi bậy, hãy đọc câu hỏi và các đáp án và chọn cái nào hợp lý nhất, lắm khi đáp án nằm trong câu hỏi luôn chứ không nằm trong đề nghe.

Sau đó giám thị sẽ thông báo là tới phần thi đọc rồi.

Oh wow. Cơn ác mộng tới rồi đây.

Ngay cả khi luyện thi ở nhà mình cũng bị hụt thời gian làm đề đọc. Nó quá dài. Và so với mấy đề mình luyện, đề thi còn dài hơn. Cái này tùy theo khi bạn luyện thì trình tự phù hợp với bạn là thế nào thôi. Mình thì làm từ dưới lên. Nghĩa là mình chọn làm phần đoạn văn dài nhất, có nhiều câu hỏi nhất, trước. Bởi vì mình sẽ đọc câu hỏi trước rồi dò ngược lên đoạn văn, như vậy sẽ rất nhanh. Trong đề thi sẽ có những câu như là, dựa vào đoạn thứ 2 thì abc sẽ như thế nào, dựa vào đoạn thứ 3 thì xyz sẽ ra sao, ... vậy thì chỉ cần đọc ngang qua đoạn 2 đoạn 3 là trả lời được rồi.

Huống hồ, đoạn văn thường xoay quanh một nội dung thường thức, như thế thì nếu may mắn bạn có thể trực tiếp trả lời luôn. Ngoài ra, lúc mình học thi TOEFL, thầy có chỉ cho mình cách đọc skimming và scanning. Đại khái là bạn đọc lướt qua tiêu đề và câu đầu tiên để biết nội dung bài (skimming) và dựa vào từ khóa của câu hỏi để tìm nội dung liên quan trong bài (scanning). Thí dụ như câu hỏi hỏi về cà chua, thì bạn lướt qua nguyên cái đoạn văn dài ngoằng để xem coi từ cà chua nằm đâu rồi đọc thôi.

Kỹ năng này hơi bị đỉnh. Nhưng mà nó ít áp dụng được cho dạng câu hỏi phía trên. Thành thử thứ tự làm của mình là: đoạn văn dài - đoạn văn ngắn - điền từ, làm từ dưới lên trên. Do mình gớm nhất cái vụ điền từ...

Tiếp theo là đoạn văn ngắn, cái này mất thời gian nhất trong toàn đề thi. Bí kíp vẫn là đọc câu hỏi trước, hiểu câu hỏi, rồi đọc thật nhanh nội dung, nếu không hiểu, bỏ qua, không dây dưa lằng nhằng. Bởi vì sẽ có một chiêu gian xảo cuối cùng để cứu lại.

Phần điền từ, mình không muốn nói gì nhiều. Nhưng thay vì học sự khác nhau của các từ vựng để biết trường hợp nào điền từ gì, thì mình chân thành khuyên rằng, hãy đọc nhiều vào, hãy nghe nhiều vào, để nó trở thành bản năng của bạn luôn, để khi chọn điều từ, bạn sẽ chọn dựa vào độ "êm tai" của nó nhiều hơn là dựa vào tính chính xác của ngữ cảnh. Vậy nhanh hơn.

45 phút của đề đọc lúc nào cũng bay qua như một cơn gió....

Đến đề viết. Nếu mọi chuyện thuận lợi, thì lúc này bạn đã có dàn ý cho một phần viết văn rồi. (Cái vụ xem trộm đề "chìa khóa" ở phía trên á).

Bạn cứ thong thả làm như bình thường. Mình không ngán viết, vì mình viết khá nhanh, tầm 30 phút mà mình hoàn thành chán chê đề viết rồi.

Và còn tầm 5-7 phút cuối giờ. Mình không biết đây là luật bất thành văn ở phòng thi, hay là do mình hên quá gặp giám thị tử tế, thầy cô giám thị của mình nói là: vì lúc nãy canh giờ đề đọc bị thiếu nên giờ em nào viết xong có thể có thêm 5 phút để làm đề đọc. Mình chắc chắn là canh giờ không thiếu đâu. Nhưng 5 phút này thực sự quá quý giá. Chân thành cảm ơn thầy cô.

Và kết quả là, mình quá hăng say quay lại đề đọc, nên đề thi viết loại bài văn 5 chữ, mình quên bà nó 1 chữ.... Đến tận lúc nộp bài xong, đứng dậy đi ra lấy xe, mình mới ngờ ngợ phát hiện ra, chết choa quên mất từ cuối cùng rồi, mình còn nhớ đó là từ 获得。Ngoài ra, mình còn ngợ ngợ nghĩ ra hình như mình viết sai chữ chìa khóa thật. Mình lúc ấy chắc mẩm là rớt rồi. Ai đời lại thế...

Nhưng mình đậu.
Mình vẫn đậu.

Điều đó chứng tỏ là việc bạn mất trí nhớ tạm thời quên mất từ vựng, hoặc viết sai chính tả, không quan trọng bằng bài văn của bạn trơn tru êm đẹp, sẽ bị trừ điểm nặng là tất nhiên, nhưng không tới mức bị điểm liệt rồi rớt luôn...

Đấy.

Đấy là toàn bộ kinh nghiệm đi thi của mình. Mình mà nhớ ra thêm cái gì thì mình sẽ viết tiếp.

1 nhận xét:

  1. Cảm ơn kinh nghiệm quý giá của bạn, mặc dù mình còn lâu mới leo nổi đến level này.

    Tiếng Trung quả thực là khó kinh khủng, nhưng thực ra vẫn không khó tới mức không tài nào học nổi (với những ai yêu thích thứ tiếng này), và thật đáng buồn, sau gần 1 năm mình vẫn cứ chấp chới ở HSK 3 :(((

    Trả lờiXóa

Mei. Được tạo bởi Blogger.
© 小鱼梦蓝天 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis