Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Làm sao TỰ HỌC tiếng Trung và đậu HSK5 trong vòng 10 tháng (extra) : kinh nghiệm đi thi HSK5

Hướng dẫn đi thi HSK5 ở TPHCM.

Đầu tiên là bạn sẽ đăng ký thi ở trường Đại Học Sư Phạm, 280 An Dương Vương, vào cổng gửi xe rồi đi đến khu A, cái khu đối diện trực diện với cổng chính, tầng trệt có cái ngân hàng Agribank ấy, vào thang máy lên lầu 4, tìm cái phòng có tên là ban tiếng Trung rồi thò mặt vào, sau đó sẽ tự động có người hướng dẫn bạn làm các khâu tiếp theo, lệ phí thi là 840.000 (thời giá 2019), quên, trước khi đến nhớ chuẩn bị giấy tờ tùy thân: CMND, 2 tấm hình 3x4 (+ 1 tấm để dành khi đi thi mang theo), form đăng ký dự thi ở đó có, cũng sẽ có người hướng dẫn bạn điền vào luôn.

Cá nhân mình thấy thủ tục lê thê quá đáng, đăng ký xong ở lầu 4 phải chạy xuống lầu 2 làm phiếu đóng tiền rồi phải chạy xuống tầng trệt nộp tiền vô ngân hàng Agribank rồi lại cầm tờ đóng tiền chạy lên lầu 4 lấy giấy xác nhận. Sau đó 10-15 ngày còn phải chạy một chuyến ra đó để lấy phiếu báo danh. Nhưng tự thân vận động thì đành thế thôi. Mình nghĩ nếu đăng ký học ở trung tâm thì mấy khoản đó sẽ có người lo hết.

Sau đó tới ngày thì đi thi.

Một số kinh nghiệm đi thi:

Trên tờ phiếu báo danh của bạn sẽ hướng dẫn chi tiết cần mang theo cái gì, cụ thể là: CMND, 1 tấm hình 3x4, bút chì và gôm. Cứ thế mà đem theo, kỹ tính thì mang 2 cây bút chì, 1 cây chì chuốt 1 cây chì bấm. Kẻo giữa đường cây bút chì gẫy ngòi thì ngồi đó khóc luôn. Mình có đem theo bình nước, nhưng mà, tin mình đi, không có dư ra 1 giây nào để mà uống nước đâu, trừ phi, một là bạn quá siêu nhân, làm dư thời gian, hai là bạn bất lực buông xuôi, ngồi uống nước ngắm giám thị.

Yêu cầu tới sớm 45 phút. Giống như đi máy bay yêu cầu tới trước 3 tiếng đồng hồ á. Một năm đi thi có một lần nên thôi cứ đúng yêu cầu mà làm, dù rằng nếu bạn chỉ tới trước 30 hay 20 phút thôi thì cũng không thành vấn đề lắm. Check cái bản mặt mình trên danh sách thí sinh trước cửa phòng thi. Riêng mình thì công đoạn này hơi khổ sở do mình không có nhận ra cái mặt mình trên danh sách đó, ôi dào, ai mà có thể tự nhận ra hình 3x4 của bản thân chứ, nhìn cứ như đứa trốn trại...

Sau đó thì theo giám thị đọc tên mà vào phòng thi.

Giám thị sẽ phát cho bạn tờ giấy trả lời trước và hướng dẫn bạn điền thông tin vào đó.

Sau đó giám thị sẽ phát cho bạn cái đề thi. Bộ đề thi gồm cả phần nghe, phần đọc và phần viết được niêm phong sơ sài bằng một cái sticker tròn. Yeah, tới giai đoạn gian xảo rồi đây. Giám thị sẽ nhắc nhở bạn tuyệt đối không được mở đề thi ra coi trước, phải đợi thông báo mới rọc cái sticker mở đề ra làm. Nhưng mà, luật bí mật bất thành văn ở đây: đề phát sớm, trước phần thi nghe tầm 5-10p, bạn có thể me lúc giám thị loay hoay sửa cái cassette dùng cho phần nghe mà vạch trang cuối ra xem coi cái hình của đề thi viết văn là cái gì rồi lên dàn ý chuẩn bị trước.

Kể nghe. Mình ngồi trong phòng thi, đang ngơ ngáo, mình cảm giác rõ ràng rằng chính giám thị cũng có phần hơi bao che cho chuyện này nên 2 thầy cô giám thị quay lưng hẳn về phía thí sinh, bạn gái ngồi sau lưng mình vạch đề ra coi, xong cái bạn ấy hốt hoảng, hỏi tất cả mọi người: ê bạn ơi chữ chìa khóa viết làm sao. Mình kiểu, hả? Đầu mình tưng một cái phát hiện chính mình cũng quên bà nó chữ chìa khóa viết như thế nào.

Cái này mình gọi là hội chứng não rỗng. Khác với thi các ngôn ngữ alphabet vốn quá quen thuộc, thi dùng Hán tự thì nếu căng thẳng quá, bạn hoàn toàn có thể quên sạch sành sanh chữ 我 viết như thế nào. Thành ra, vấn đề tinh thần quan trọng lắm, đừng để bản thân quá mất bình tĩnh.

Sau đó sẽ bắt đầu phần thi nghe.

Ngoài lề một chút, mình luyện thi HSK5 bằng các đề ở đây:
https://chinese.com.vn/bo-de-luyen-thi-chung-chi-tieng-trung-hsk-5-moi-nhat.html#De_thi_tieng_Trung_HSK_5_So_1

Khi mình luyện, trừ bỏ phần viết không có ai chấm điểm ra, thì lần nào điểm nghe của mình cũng cao nhất, toàn trên 90 điểm.

Nhưng trong phòng thi, mọi chuyện rất khác.

Mất bình tĩnh là một. Và âm thanh là hai.

Lúc mình tự luyện ở nhà, cái loa laptop của mình rất rõ ràng, không có bị vang vọng. Trong khi cái cassette trong phòng thì, uhm, âm thanh bị vọng lại rất nhiều, thành ra không hề rõ ràng như luyện thi ở nhà. Chưa kể, trong phòng có bạn kia muốn nghe lớn, bạn nọ muốn nghe nhỏ, mình thì lại muốn nghe thật nhỏ thật nhỏ để đừng bị vọng tiếng, nên giám thị chỉ có thể chỉnh vừa vừa, mà theo ý mình, là vẫn quá lớn. Cho nên, mình không có nghe được.

Lúc này mình chỉ có thể nghe từ khóa rồi đoán ý mà thôi. Việc đọc trước đáp án để giúp đoán ra nội dung hội thoại lúc này cũng khiến bản thân quýnh quáng, vì đọc không kịp.

Trong tình huống đó, phải làm sao? Rất đơn giản, bỏ luôn. Mình bỏ hẳn một câu, nhảy qua câu tiếp theo đọc trước đáp án, như vậy mình bắt kịp lại tiến độ liền. Vứt một câu để cứu các câu sau, tập trung 100% tinh thần để mà nghe từ khóa rồi đoán đáp án.

Và, hên quá má ơi, trong phần thi nghe có một câu mà đáp án có chữ "chìa khóa", 钥匙。Mình đồ rằng cô bạn hồi đầu giờ hốt hoảng hỏi xem chữ "chìa khóa" viết thế nào giờ đã thở phào nhẹ nhõm.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, phần nghe trôi đi trong sự ngỡ ngàng của thí sinh. Giám thị nói là sẽ cho thêm 5 phút để check đáp án, lúc này thì bạn sẽ hãy lụi những câu mà lúc nãy đã bỏ qua, đừng có lụi bậy, hãy đọc câu hỏi và các đáp án và chọn cái nào hợp lý nhất, lắm khi đáp án nằm trong câu hỏi luôn chứ không nằm trong đề nghe.

Sau đó giám thị sẽ thông báo là tới phần thi đọc rồi.

Oh wow. Cơn ác mộng tới rồi đây.

Ngay cả khi luyện thi ở nhà mình cũng bị hụt thời gian làm đề đọc. Nó quá dài. Và so với mấy đề mình luyện, đề thi còn dài hơn. Cái này tùy theo khi bạn luyện thì trình tự phù hợp với bạn là thế nào thôi. Mình thì làm từ dưới lên. Nghĩa là mình chọn làm phần đoạn văn dài nhất, có nhiều câu hỏi nhất, trước. Bởi vì mình sẽ đọc câu hỏi trước rồi dò ngược lên đoạn văn, như vậy sẽ rất nhanh. Trong đề thi sẽ có những câu như là, dựa vào đoạn thứ 2 thì abc sẽ như thế nào, dựa vào đoạn thứ 3 thì xyz sẽ ra sao, ... vậy thì chỉ cần đọc ngang qua đoạn 2 đoạn 3 là trả lời được rồi.

Huống hồ, đoạn văn thường xoay quanh một nội dung thường thức, như thế thì nếu may mắn bạn có thể trực tiếp trả lời luôn. Ngoài ra, lúc mình học thi TOEFL, thầy có chỉ cho mình cách đọc skimming và scanning. Đại khái là bạn đọc lướt qua tiêu đề và câu đầu tiên để biết nội dung bài (skimming) và dựa vào từ khóa của câu hỏi để tìm nội dung liên quan trong bài (scanning). Thí dụ như câu hỏi hỏi về cà chua, thì bạn lướt qua nguyên cái đoạn văn dài ngoằng để xem coi từ cà chua nằm đâu rồi đọc thôi.

Kỹ năng này hơi bị đỉnh. Nhưng mà nó ít áp dụng được cho dạng câu hỏi phía trên. Thành thử thứ tự làm của mình là: đoạn văn dài - đoạn văn ngắn - điền từ, làm từ dưới lên trên. Do mình gớm nhất cái vụ điền từ...

Tiếp theo là đoạn văn ngắn, cái này mất thời gian nhất trong toàn đề thi. Bí kíp vẫn là đọc câu hỏi trước, hiểu câu hỏi, rồi đọc thật nhanh nội dung, nếu không hiểu, bỏ qua, không dây dưa lằng nhằng. Bởi vì sẽ có một chiêu gian xảo cuối cùng để cứu lại.

Phần điền từ, mình không muốn nói gì nhiều. Nhưng thay vì học sự khác nhau của các từ vựng để biết trường hợp nào điền từ gì, thì mình chân thành khuyên rằng, hãy đọc nhiều vào, hãy nghe nhiều vào, để nó trở thành bản năng của bạn luôn, để khi chọn điều từ, bạn sẽ chọn dựa vào độ "êm tai" của nó nhiều hơn là dựa vào tính chính xác của ngữ cảnh. Vậy nhanh hơn.

45 phút của đề đọc lúc nào cũng bay qua như một cơn gió....

Đến đề viết. Nếu mọi chuyện thuận lợi, thì lúc này bạn đã có dàn ý cho một phần viết văn rồi. (Cái vụ xem trộm đề "chìa khóa" ở phía trên á).

Bạn cứ thong thả làm như bình thường. Mình không ngán viết, vì mình viết khá nhanh, tầm 30 phút mà mình hoàn thành chán chê đề viết rồi.

Và còn tầm 5-7 phút cuối giờ. Mình không biết đây là luật bất thành văn ở phòng thi, hay là do mình hên quá gặp giám thị tử tế, thầy cô giám thị của mình nói là: vì lúc nãy canh giờ đề đọc bị thiếu nên giờ em nào viết xong có thể có thêm 5 phút để làm đề đọc. Mình chắc chắn là canh giờ không thiếu đâu. Nhưng 5 phút này thực sự quá quý giá. Chân thành cảm ơn thầy cô.

Và kết quả là, mình quá hăng say quay lại đề đọc, nên đề thi viết loại bài văn 5 chữ, mình quên bà nó 1 chữ.... Đến tận lúc nộp bài xong, đứng dậy đi ra lấy xe, mình mới ngờ ngợ phát hiện ra, chết choa quên mất từ cuối cùng rồi, mình còn nhớ đó là từ 获得。Ngoài ra, mình còn ngợ ngợ nghĩ ra hình như mình viết sai chữ chìa khóa thật. Mình lúc ấy chắc mẩm là rớt rồi. Ai đời lại thế...

Nhưng mình đậu.
Mình vẫn đậu.

Điều đó chứng tỏ là việc bạn mất trí nhớ tạm thời quên mất từ vựng, hoặc viết sai chính tả, không quan trọng bằng bài văn của bạn trơn tru êm đẹp, sẽ bị trừ điểm nặng là tất nhiên, nhưng không tới mức bị điểm liệt rồi rớt luôn...

Đấy.

Đấy là toàn bộ kinh nghiệm đi thi của mình. Mình mà nhớ ra thêm cái gì thì mình sẽ viết tiếp.

Làm sao TỰ HỌC tiếng Trung và đậu HSK5 trong vòng 10 tháng (3) : tháng thứ nhất

Tôi viết theo nguyên tắc: nhớ tới đâu viết tới đó, không có hệ thống rõ ràng nên xin lỗi nếu như làm bạn bấn loạn. Tôi viết xong sẽ cố mà sắp xếp theo thứ tự rõ ràng.

Thi HSK5 gồm có 3 phần: nghe hiểu, đọc hiểu, và viết.

Đối với những người tự học thì phần đáng ghê sợ nhất là viết, vì, nói thật, con đường tự học khó khăn nhất là không có người dẫn đường, không có người sửa lỗi cho bạn nếu như bạn viết sai hay nói sai. Lúc học thi tôi cũng sợ nhất là chuyện này, ngay từ đầu, sợ nhất. Vì thế, tôi chọn cách đối diện trực tiếp với nó ngay từ lúc bắt đầu luôn, bằng cách: viết nhật ký.

Viết nhật ký mỗi ngày, ngay từ khi tôi còn chưa viết trôi chảy chữ 我。Nội dung cái nhật ký đầu tiên của tôi là: sáng nay tôi thức dậy lúc 7 giờ, đọc sách một chút, sau đó ăn sáng, sau đó khi làm, 12 giờ tôi ăn trưa, sau đó 6 giờ cả nhà tôi cùng ăn tối, giờ thì tôi đang viết nhật ký. 早上七点我起床,读书一下,然后我吃早饭,最后我去上班。下午十二点我吃午饭。晚上六点我跟我家人一起吃晚饭。现在我正在写日记。 Đơn giản thế thôi, nhưng tra từ điển, tra google translate, mất cả buổi trời. Những ngày đầu viết nhật ký là cực hình, nhưng, tin tôi đi, trong học tập, thứ gì càng làm bạn khổ, càng làm bạn sợ, lại càng có ích cho bạn. Trực tiếp đối diện với nỗi sợ của mình là cách nhanh và tốt nhất để vượt qua nó.

Và viết cũng là cách để bạn nhanh chóng xác định được, bạn đang thiếu cái gì. 写也是最好办法让你确定自己需要什么。

Thí dụ như nhờ viết tôi phát hiện ra cách để sắp xếp từ vào một câu.

Tôi không biết các dịch giả khác như thế nào, nhưng khi tôi dịch từ tiếng Trung qua tiếng Việt hay tiếng Anh qua tiếng Việt, nỗi khổ lớn nhất của tôi, là cách sắp xếp từ vựng của tiếng Việt mình rất là ngược. Thí dụ như, khi bạn nói, "anh trai của tôi là người mặc áo sơ mi màu trắng kia", thứ tự sẽ là: anh trai + của tôi, và người + mặc + áo sơ mi + màu trắng + kia, trong khi tiếng Anh sẽ là: my brother is the one who wears white shirt., white (màu trắng) để phía trước shirt (áo sơ mi), và my (của tôi) đặt trước brother (anh trai). Tương tự, tiếng Trung là, 我的哥哥是那个穿着白色的衬衫的人,我的 (của tôi) đặt trước 哥哥(anh trai), 那个 (kia)đặt trước 穿着 (mặc) đặt trước 白色 (màu trắng) đặt trước 衬衫(áo sơ mi) và đặt trước 人 (người): nguyên văn câu tiếng Trung là: của tôi anh trai là kia mặc màu trắng sơ mi người.

* nếu bạn hay đọc truyện, bạn sẽ phát hiện ra cái bug này cực kỳ hay gặp và làm dịch giả khổ quằn quại luôn, thí dụ anh A lắp bắp: cậu ấy là tôi... tôi... bạn trai của tôi. Nguyên văn câu tiếng Trung sẽ là: 他是我。。我。。我的男朋友。 Cái chữ "tôi" trong tiếng Trung nó đứng trước, còn trong tiếng Việt nó đứng sau, thành thử là tiếng Việt mà nói lắp thì sẽ lắp chữ bạn...bạn... bạn trai của tôi, còn tiếng Trung thì sẽ là: tôi... tôi... tôi... bạn trai.

Dịch rất là mệt luôn, rất là mệt luôn, RẤT RẤT LÀ MỆT LUÔN.

Nói nhiều quá rồi. Quay lại chủ đề nào.

Ngay từ lúc bắt đầu, bạn nên viết nhật ký, và viết ở đây, ý tôi là cầm cây bút lên và viết vào giấy đó, chứ không phải ngồi type đâu, vì type thì bạn chỉ gõ pinyin, bạn sẽ chỉ nhớ pinyin chứ khó nhớ hán tự lắm. Và viết cũng là cách hay nhất, nhanh nhất để não bạn thẩm thấu cái chữ đó. Nhất định phải viết, viết một lần không nhớ thì viết 2 lần, viết 2 lần không nhớ thì viết 3 lần, 3 lần không nhớ thì viết 30 lần. Chẳng sao cả.

Và viết cũng giúp bạn quen với cách nghĩ bằng tiếng Trung nữa. Lúc mới bắt đầu, bạn chỉ cần viết những thứ rất đơn giản, cực kỳ đơn giản, thí dụ như: 我有一个朋友,他叫小明,他是我高中的同学。Dùng những cấu trúc đơn giản. Nếu bạn muốn viết cấu trúc phức tạp hơn thì, càng tốt, hãy chăm chỉ google và tra ra.

Ví dụ, "tuy là rất đói, nhưng vì muốn giảm cân, nên tôi quyết định không ăn trưa." Câu này, theo tôi, có 4 cái cấu trúc: tuy - nhưng, vì - nên, muốn làm gì đó, quyết định không làm gì đó. 虽然很饿,可是因为想要减肥,我决定不吃午饭。Nghe thì đơn giản, chứ lúc viết, tra muốn lòi con mắt. Nhất là tôi bị ám ảnh bởi tiếng Anh quá nhiều, decide not to do something: tức là sau một động từ tiếng Anh thường phải chia gerund, to-V hay bare infinity tùy từ, tôi cứ bị ám bởi cái nguyên tắc đó nên giai đoạn đầu thực sự rất khổ sở dùng tiếng Trung, tiếng Trung, thì, may mắn thay, y chang tiếng Việt, 2 động từ đặt kế nhau cũng kệ bà nó mà đặt đi, chẳng sao. (về cơ bản là không sao)

Google là một kho tri thức miễn phí và khổng lồ. Thời đại ô nhiễm, thứ bù lại cho chúng ta khi phải hít thở bầu không khí ô nhiễm mỗi ngày do sự hiện đại mang lại, chính là khả năng được tiếp cận kho tri thức miễn phí khổng lồ này, thành ra, nếu bạn không xài google, thì coi như bạn sống ở thời đại này lỗ quá xá lỗ rồi.

Giống như câu trên, bạn gõ vào thanh tìm kiếm của google "các cấu trúc cơ bản tiếng Trung", thì sẽ ra cho bạn tầm 600 cái cấu trúc. Bạn tra và dùng đúng như thứ mình cần, chỉ vậy thôi, đừng có quá tham lam mà học hết 600 cái cấu trúc sau đó chẳng nhớ cái nào. Mỗi lần học 1 cái, học cho nhuyễn, học xong 1 cái thì viết 20 câu ví dụ đi kèm với cái cấu trúc đó, đơn giản vậy thôi.

Còn những cấu trúc bạn không kiếm ra, dùng google translate. Chúng ta tận dụng và lợi dụng google translate, nhưng tuyệt đối không phụ thuộc vào nó, vì nó rất là tào lao. Thề luôn, nó tào lao kinh dị lên được ấy. Nhất là khi bạn chọn dịch từ tiếng Việt qua tiếng Trung. Tiếng Việt của mình dùng từ đơn, thành thử ra sẽ gặp những trường hợp nó tách từ đơn của mình ra dịch riêng, chẳng hạn, cô hàn thì nó dịch ra là cô Hàn, 韩小姐 - bà cô tên Hàn, một đứa trẻ cô hàn, thì nó dịch là 韩国小子, đứa nhỏ Hàn Quốc. Bởi vậy, tra xong google translate, nhất định phải kiểm tra lại bằng từ điển.

À, quên giới thiệu cái từ điển tôi hay dùng:

http://vdict.co/index.php?word=%E7%8B%AC&dict=cn_vi

Giao diện dễ dùng, nhiều từ, có ví dụ. Nói chung là từ điển mạng tốt nhất hiện tại. Còn app từ điển thì tôi dùng cái này:

https://apps.apple.com/vn/app/cvedict-t%E1%BB%AB-%C4%91i%E1%BB%83n-trung-vi%E1%BB%87t/id832160578?l=vi

Ngoài gõ pinyin, thì điểm cộng lớn nhất của từ điển trên smartphone là bạn có thể vẽ chữ và nó sẽ nhận diện, google translate trên điện thoại bạn cũng có thể vẽ chữ để nó nhận diện. Vẽ đúng thứ tự nét và số nét là một lợi thế khổng lồ trong chuyện này, chứ cứ đồ đồ tô tô thì nó nhìn không ra đâu.

Rồi. Tạm xong phần viết nhé.

(cont.)

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Làm sao TỰ HỌC tiếng Trung và đậu HSK5 trong vòng 10 tháng (2): tháng thứ nhất

Chương 2

BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Trả lời luôn: từ Rosetta Stone

Đây là một phần mềm học tiếng nước ngoài, theo tôi đánh giá, là tạo nền móng cơ bản khá tốt. Có 2 version: mobile và PC. Tôi chọn PC, vì ngồi PC tôi mới tập trung được mà học được.

Có tất cả 5 Levels, mỗi Levels có 4 Units, mỗi Units lại có 4 Lessons. Tôi không chắc về chuyện Levels Units và Lessons tôi để thứ tự có đúng không. Nhưng đại khái là vậy. Trong tầm 4 tháng đầu, tôi chỉ học Rosetta Stone.

Trong chương trình có 3 loại setup nằm ở góc dưới, pinyin, vừa hán tự vừa pinyin, và hán tự. Khi học Level 1, tôi để chế độ pinyin thôi. Vì lúc đó tôi quá tồ, không biết là có thể để chể độ hán tự. Nhưng hóa ra nó lại tốt. Tốt bất ngờ luôn, vì lúc đầu, tôi không biết cách phát âm, thành thử tôi nhìn pinyin và nghe giọng đọc phát âm, bắt chước theo, sau đó liền tạo ra được phản xạ nhìn pinyin là đọc được chữ.

Đối với những người mới bắt đầu, chưa biết gì, thì chương trình thiết kế khá là hay. Cho đến tận thời điểm này, mà tôi vẫn còn nhớ những từ rất khó nhớ vì hiếm khi dùng trong cuộc đời này, ví dụ như 螺丝起子 nghĩa là cái tua vít. Rosetta Stone có cơ chế lặp đi lặp lại từ vựng, kiểu như nó sẽ ra rả bên tai bạn từ vựng cho đến khi cái từ đó qua khu đồi thị đi thẳng vô vỏ não và nằm đó không ra luôn. Thêm một điểm cộng nữa là giọng đọc khá tốt, khá chuẩn, lại rất là dễ nghe. Điểm trừ là đọc quá chậm, nhưng, well, lúc mới bắt đầu, chậm cũng là một điểm cộng.

Điểm trừ lớn nhất của chương trình này là, cực kỳ ít cấu trúc ngữ pháp, gần như là không có cấu trúc ngữ pháp nào đáng kể cả. Thành thử ra, lúc tôi học Rosetta Stone, có lên mạng và hỏi thử xem nếu học xong 5 levels thì sẽ thi đậu được bằng nào, câu trả lời là, không có bằng nào cả. Có lẽ HSK1 và HSK2 thì cũng được đó, nhưng cái bằng đó, có cũng như không, thi làm gì cho tốn thời gian và tiền bạc.

Quy trình học của tôi là: Mỗi ngày, từ thứ hai đến thừ năm, tôi học 1 Lesson, thứ sáu thứ bảy chủ nhật tôi ôn lại từ vựng đã học.

Như vậy, 1 tuần tôi hoàn thành 1 Unit, 1 tháng tôi học xong 1 Level. 5 tháng tôi học xong 5 Levels.

Đó là phần bắt đầu của tôi khi học tiếng Trung.

Khi bắt đầu có 2 điểm cực kỳ quan trọng, một là phát âm, hai là viết hán tự.

Phát âm. 

Bạn có thể lên youtube và search "cách phát âm tiếng Trung", có một số thầy cô có những video rất chất lượng, sẽ dạy bạn cách uốn lưỡi, bật hơi, vị trí răng môi trong từng chữ.. v.v. Thông tin có ích lắm. Nhưng cũng mệt lắm.

Hồi xưa tôi có một cô bạn nói tiếng Anh rất hay, khi mọi người hỏi bí kíp thì cô ấy nói rất đơn giản, là bỏ cái băng vô cassette, nghe người ta nói, sau đó lặp lại sao cho giống nhất với giọng nói đó.

Và bạn hãy nhớ lại cách bạn học nói, hiếm có ai dạy con nít nói chuyện mà bảo nó là, mỗi lần phát âm âm "ặp" thì con phải bập môi lại, nếu không thì sẽ thành âm "ặc". Thí dụ như bạn nói cũng "cặp" mà không bặp môi lại thử xem. Ahihi.

Con nít học nói, nó sẽ bắt chước và tự biết cách đặt môi lưỡi bật hơi. Tương tự như vậy, theo ý kiến riêng của tôi, khi bạn tập nói tiếng Trung (hay bất kỳ thứ tiếng nào), hãy nghe người ta nói, và bắt chước theo sao cho giống nhất. Và tuyệt đối, tuyệt đối, tuyệt đối, đừng chơi trò này: âm "c" giống với chữ "x" trong tiếng Việt, hay âm "g" giống với chữ "c" trong tiếng Việt, dù tụi nó giống thiệt. Nhưng hãy gạt cái tư tưởng đó ra khỏi não ngay từ khi bắt đầu, vì có giống kiểu gì thì tụi nó cũng không giống 100%. Tìm cách đọc tiếng Trung bằng tiếng Việt sẽ giết chết giọng nói của bạn luôn, nghe gớm lắm.

Dĩ nhiên là có những nguyên tắc để phát âm, ví dụ /e/ đọc là /ưa/ hay đọc là /ơ/... nhưng theo ý tôi, bạn biết để biết thôi, quan trọng nhất, là bắt chước, học nguyên một từ luôn. Học nói thì học hẳn nguyên một từ, hạn chế tối đa chuyện đánh vần. Trong tháng đầu tiên, nhất định phải nhìn được pinyin đọc được chữ. Hán tự chúng ta từ từ tính sau.

Viết hán tự.

Học thuộc nguyên tắc này:

Ngang trước dọc sau. Trái trước phải sau. Trong trước ngoài sau.

Và học cách viết từng bộ chữ cho chuẩn nhất.  Ngay từ những chữ đầu tiên, 一二三四无六七八九十,viết cho thật đúng. Viết cho chính xác thứ tự từng nét. Điều này cực kỳ có ích về sau, tin tôi đi. Nét chữ của một người viết đúng thứ tự nét nó rất khác so với những người vẽ chữ, nghĩa là nhìn chữ rồi tù tì vẽ theo, không có thứ tự. Huống hồ, việc viết đúng thứ tự nét cũng ảnh hưởng đến việc nhớ chữ nữa.

Đó là cách viết. Còn nhận diện và ghi nhớ hán tự là một vấn đề khác, tôi sẽ viết sau. Đừng nhìn vô bảng hán tự rồi hú hồn hú vía, tự hỏi cuộc đời rằng phép mầu nào sẽ giúp tôi nhớ bằng ấy từ. Câu trả lời là: tỉ mấy người dân Trung Quốc làm được điều đó, cả mấy tỉ người học tiếng Trung cũng làm được điều đó, thì dĩ nhiên là bạn sẽ làm được điều đó.
Và có chuyện này hay hơn là, sau mấy tháng thời học tiếng Trung, tôi đã tích lũy ra được một số bí kíp nhớ chữ.
Nhưng tôi sẽ nói sau vậy, vì hiện tại, trong 1 tháng đầu này, bạn cứ học như một đứa con nít là được. Bắt chước, bắt chước và bắt chước.

(cont.)

Làm sao TỰ HỌC tiếng Trung và đậu HSK5 trong vòng 10 tháng (1)

Chương 1 

LÝ DO BẠN QUYẾT ĐỊNH HỌC TIẾNG TRUNG LÀ GÌ?

“Khi bạn muốn từ bỏ một thứ, thì hãy nhớ tới lý do mà bạn đã bắt đầu.” 

(Nếu cái lý do đó còn xài được...)

Nói trước là chương này hơi bá láp, nó liên quan đến cuộc đời nhiều hơn là việc học tiếng Trung. Bạn hoàn toàn có thể bỏ qua nó.

Mà thôi, đừng bỏ qua, cũng có bao nhiêu chữ đâu mà.

Tại sao bạn quyết định học tiếng Trung? Vì cái gì mà bạn quyết định học tiếng Trung?

Bạn nhất định phải biết lý do mà bạn bắt đầu học tiếng Trung. Thực ra tôi nghĩ là cũng không có thành vấn đề lắm đâu, nếu như cái lý do bắt đầu của bạn là thấy hay hay thì học. Thậm chí có lẽ nó có lý hơn lý do của tôi một chút, tôi bắt đầu vì muốn hát được bài Họa Tình.

Ahaha, tôi đùa đấy.

Tôi thường bắt đầu học cái gì đó vì một lý do rất kiên định và chắc chắn: vì tôi buồn chán với cuộc đời mắc dịch của mình. Cái này thì không đùa đâu. Thật ra, là một con người thì ai không có những lúc giật mình phát hiện ra là mình đang sống, kiểu như, “hú hồn hoá ra tôi còn sống”. Đó có thể là khi đọc một tin rằng có máy bay nào đó vừa rơi, hoặc biết được rằng bà hàng xóm cũ của mình vừa qua đời, hay là đơn giản là nhìn thấy một cái cầu vồng vắt ngang bầu trời chiều, nơi những lọn mây xám xịt che khuất hết hoàng hôn rực rỡ. Và bạn chợt nhận ra rằng mình vẫn cứ đang sống.

Cái sự “đang sống” lúc đó, nói cho cùng thì không đáng giật mình bằng chuyện bạn nhận ra điều đó.
“Bố khỉ, vậy mà tôi tưởng tôi chết mất rồi chứ.”

Tôi thấy mình không có tư cách để lạm bàn về việc cuộc đời như thế nào mới được gọi là thú vị hay buồn chán, rực rỡ hay xám xịt. Có anh minh tinh nọ giải thưởng trưng bày khắp nhà, tài sản trải khắp nơi còn fan thì khắp mọi miền quê, nhưng ảnh vẫn quyết định tự tử, có bà hàng xóm sống trong căn nhà 20m2 chen chúc với 4 người nữa, mỗi ngày mua bó rau 5.000 vẫn trả giá còn 4.500, nhưng 4 giờ chiều vẫn đầy hứng khởi đi dò số đề. Chỉ có bản thân một người mới có thể định nghĩa xem bản thân đang vui vẻ hay buồn chán.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của việc cảm thấy buồn chán là, đó, bất chợt nhận ra mình đang sống.

Và bạn khát khao thay đổi điều gì đó. Nhiều người đi du lịch, nhiều người đổi việc làm, và cũng có một số ít chấm dứt mọi thứ phiền phức bằng cách ngừng sống. Đó đều là những lựa chọn.

Riêng tôi thì thường chọn thay đổi một phần của mình, bằng cách học thêm cái gì đó. Bất kỳ cái gì. Tôi tin là khi mình nạp vô trong đầu mình thêm một loại tri thức, thì mình đã thay đổi chút đỉnh phần cứng của mình, vĩnh viễn. Và thế là mình trở thành một người khác.

Tôi muốn trở thành một người khác. Tri thức cho tôi hy vọng. Thí dụ như, sẽ có một ngày tôi lên thẳng Tấn Giang đọc truyện, hết sức bá khí, không cần lót dép dựng lều hóng chờ dịch truyện. Hoặc giả tôi sẽ dịch truyện và để Translator là tên mình, không phải là editor cùi bắp, là translator hẳn hoi.

Nên tôi quyết định học. Mỗi lần tôi muốn bỏ cuộc thì tôi lại nhớ đến việc mình đã muốn thay đổi cuộc đời mình như thế nào. Nhớ tới cái cầu vồng trên bầu trời xám xịt. Vậy là tôi lại tiếp tục.

Vậy nguyên nhân của bạn là gì?

Tôi khẳng định là, bởi vì bạn muốn thay đổi điều gì đó. Dù đích đến cuối cùng của bạn nâng đẳng cấp tri thức của mình lên, nâng tài chính của mình lên, hay mở rộng cơ hội lựa chọn cho đời mình, thì đấy cũng là một thứ thay đổi.

Bởi vậy, hãy nghĩ thật kỹ, thật kỹ điều này. Đừng bỏ qua.

Có những buổi tối (tôi thường học từ 7 giờ tối cho đến 10 giờ tối hàng ngày), tôi đã quanh quẩn với cái suy nghĩ rằng, tại sao giờ này mình phải học, có ai bắt mình học đâu, mình có trả nợ cho ai đâu, tại sao mình không đi uống trà sữa, không ngồi chơi game, không coi phim nghe nhạc đọc truyện tào lao bí đao, mà mình phải tự nhồi sọ với một mớ hán tự điên điên khùng khùng này. Điểm khó khăn nhất của việc tự học, là chỉ có mỗi mình bạn thôi. Nếu bạn đến trung tâm, sẽ có cô giáo thầy giáo giao cho bạn một phần bài tập về nhà, bạn hoàn thành nó, trả nợ cho thầy cô, xong. Nếu bạn không làm, bạn bị xấu hổ. Còn tự học, bạn không biết bản thân đang làm cái gì, và nên làm cái gì cả, và phần khó khăn nhất, bạn vĩnh viễn không có ai để xấu hổ khi không hoàn thành mục tiêu cả.

Ngoại trừ chính bạn.

Chính vì vậy. Bạn nhất định, nhất định, nhất định phải có một lý do rõ ràng để bắt đầu. Bạn có thể làm một cái băng rôn treo lên bàn học rằng, "tôi muốn thay đổi", "tôi muốn có tiền", "tôi muốn đọc được tiếng Trung", bạn có thể treo cái câu đó lên màn hình điện thoại hay laptop. Nhưng quan trọng nhất, là bạn phải treo cái câu đó trong đầu của bạn.

Vì cái gì mà bạn đã bắt đầu học tiếng Trung, thứ tiếng được xếp vào hạng khó của thế giới này?

Làm sao TỰ HỌC tiếng Trung và đậu HSK5 trong vòng 10 tháng

LỜI MỞ ĐẦU

Uhm. Xin chào. 你好。

Chủ đề như tên phía trên. Làm sao để đậu HSK5 trong vòng 10 tháng kể từ ngày đầu tiên bắt đầu học tiếng Trung. Cần phải xác định trước hai chuyện: một, điểm bắt đầu là không có gì cả, tôi nhớ lúc điểm bắt đầu của tôi là, tôi nghĩ rằng 1-2-3 trong tiếng Trung đọc là dát-dị-sám... có nghĩa là, một chữ bẻ làm đôi cũng không biết ấy. Hai, điểm cuối, là đậu HSK5. Phải biết là 180 điểm là đủ để đậu HSK5 rồi, tôi không chịu trách nhiệm nếu như người đọc muốn đậu thủ khoa đâu...

Và còn một điều quan trọng nữa, cái vụ 10 tháng ấy, thực ra là tôi câu like, thu hút sự chú ý thôi. Đúng là tôi học 10 tháng đậu HSK5 thật. Thề.
Nhưng mà, mỗi ngày tôi bỏ ra ít nhất là 3 tiếng đồng hồ hoàn toàn tập trung học tiếng Trung, ngày nào cũng vậy, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Nghĩa là, cái tiêu đề phải nói như vầy, 900++ giờ học tiếng Trung và đậu HSK5.

Cái 900 giờ đó khác với 10 tháng, khác xa. Tôi khẳng định là khác rất xa. Xa như đường đến trái tim của crush vậy. Xa như đường đến vòng tay của idol vậy.

Trong cuốn Thành thạo ngoại ngữ mãi mãi (có thể tìm bản PDF trên mạng rất dễ dàng), tác giả có kể ra nguyên tắc 10.000 giờ. Nếu bạn muốn thực sự thành thạo bất kỳ môn gì trong cuộc đời này, từ lướt ván, chăm mèo, nấu ăn, sửa cống, chơi piano, thổi kèn (trumpet, saxophone hay harmonica ấy) hay múa ballet... bạn cần 10.000 giờ. Tôi làm thử phép toán đơn giản, nếu giả dụ mỗi ngày bỏ ra 1 giờ để làm, thì một năm là 365 giờ, và 10 năm thì là 3650 giờ, nghĩa là cần 30 năm để thành thạo. 30 năm, tôi không biết với bạn thì sao chứ với tôi thì quá dài, cho nên biện pháp duy nhất là tăng thời gian mỗi ngày lên, thay vì một giờ, thì thành ba giờ, vậy thì chỉ cần trong 10 năm, tôi sẽ thành thạo thứ gì đó.

Well.

Đọc tới đây mà bạn còn thấy có thể theo nổi, thì chúng ta tiếp tục. Còn thí dụ như bạn mong muốn cái gọi là 10 tháng đó, nghĩa là, 2-4-6 mỗi ngày 1 tiếng rưỡi, thì thực lòng mà nói, hơi khó.

Vì mỗi con người chỉ sống được trung bình là 90-100 năm nếu sức khỏe tốt và không có những thói quen xấu như bia rượu thuốc lá và cà khịa, nên thí dụ như ngoài món tiếng Trung ra, bạn thích học thêm tiếng Lào, thì bạn cần phải rút ngắn thời gian học tiếng Trung lại, để có thêm thời gian học tiếng Lào, chứ, mất 30 năm học tiếng Trung thì còn bao nhiêu năm nữa đâu mà học tiếng Lào, huống hồ là tiếng Đức hay tiếng Thái? Đúng không?

Điểm cuối, là HSK5. Tôi khẳng định là phải thi. Nếu giả dụ học cho biết, học cho vui, thì thôi chúng ta cũng không thuộc về nhau đâu. Dừng lại thì hơn.

Tại sao phải thi?

Tại sao phải thi?

Bởi vì cuộc đời này là một cái bãi hoang mông lung đến nỗi thậm chí trọng lực cũng không có, chẳng có gì neo bạn lại đâu nếu bạn không tự tạo cho mình những cái mỏ neo. Cũng như hôn nhân, bạn bè, gia đình và những kiểu quan hệ vốn là cái bảng chỉ dẫn để người ta biết họ đang ở đâu, những tấm bằng cũng vậy. Nó giống như bạn đi tới cái mốc đánh dấu cực tây của đất nước rồi dùng bút xoá đề lên trên đó rằng: nguyễn văn tèo tôi đây đã đặt chân đến cái chỗ này. À có lẽ nên dùng ví dụ đỡ kém văn hoá hơn. Nhưng chắc bạn đã hiểu đại khái, rằng, nguyên tắc để thành công trong một thứ gì đó, là làm cho xong từng điều nhỏ nhặt một, nguyên tắc để đến đích là bước cho xong từng bước chân nhỏ một. Bạn đặt chân trước lên một bước, sau đó ưỡn ẹo nhún nhảy ca hát ăn mừng, thì cái chân còn lại lắm khi vẫn ở chỗ cũ đấy, đấy không phải một bước chân, đấy là nửa bước chân.

Để tôi kể cho bạn nghe.

Trong những năm tháng dài đằng đẵng lặn ngụp trong cái suy nghĩ là mình thì cần gì bằng cấp, mình chỉ cần nghe nói trơn tru là được, tôi không biết rằng mình trượt dài trong cái mớ hỗn độn mà những kiến thức chụp giựt chen lẫn với sự lười biếng và những món tự thưởng, dồn đống lại với nhau tạo thành đống rác. Tôi không muốn tạo nên những cái đống rác đó, tôi muốn có cái gì để đánh dấu những ngày tháng này, những nỗ lực này, một cái gì có thể cân đo đong đếm được, có thể thấy bằng mắt thường, sờ được ngửi được nghe được và liếm được. À thì cũng không nhất thiết phải liếm được. Và tôi nghĩ, còn gì khác ngoài một tấm bằng, một tấm bằng phổ thông đại chúng công nhận. Dù chính tôi cũng chẳng tin có ngày mình cần dùng tấm bằng đó để chứng minh với ai, ngoại trừ chính mình. Lẽ dĩ nhiên là bạn không thể nào đưa cho một người Trung Quốc tấm bằng HSK5 sau đó yêu cầu họ phải hiểu những gì bạn nói. Nhưng bạn phải có nó. Vì nó cho bạn biết bạn đang ở đâu trong cái bể học vấn như cái hoang mạc không điểm cuối ấy. Nó là cái đích mà dù bạn có bá đạo như thế nào đi chăng nữa, bạn cũng phải có cho riêng mình.

Và vì lẽ đó, dĩ nhiên là tôi chẳng bao giờ đồng ý với chuyện “chỉ học pinyin”, tôi nghe rất nhiều người comment trên các trang dạy tiếng Trung rằng họ chỉ muốn học pinyin thôi, xin bản pinyin của các từ vựng để học. Tôi chưa gặp một người thành công trong việc học tiếng Trung bằng phương pháp pinyin cả. Có lẽ là họ có thành công theo cách của họ đấy. Nhưng tôi tin là, đã học thì hãy trở thành người biết chữ, học xong, nghe được nói được nhưng không đọc được viết được, khác gì kẻ mù chữ?

Nói nhỏ cho bạn nghe một chuyện nữa, bạn tin không. Thời điểm viết những dòng này thì tôi chưa lấy được bằng HSK5 đâu. Nhưng thời điểm publish những dòng này, tôi đã lấy được rồi.

Thôi thì, fake it until you make it. Cứ giả bộ mọi chuyện là thật cho đến khi nó là thật (hoặc đến khi người ta phát hiện ra rằng mình giả bộ).

Còn một điều nữa, do lúc trước khi học tiếng Trung tôi đã tra rất nhiều thông tin kinh nghiệm trên mạng, và thường xuyên gặp kiểu bài: bí kíp học tiếng Trung cấp tốc, hay bí kíp thành cao thủ tiếng Trung, hay làm sao để đậu HSK trong vòng 1 năm học, blah blah... Và tất cả các bài viết đó đều PR cho một trung tâm tiếng Trung nào đó, một phương pháp học ABC nào đó mà bạn phải bỏ tiền ra mua.

Điều đó đã làm tôi mất niềm tin với cuộc đời này. Đồ lừa đảo. Vậy thì viết ra ngoài đề cho rồi. Xạo xạo.

Cho nên, bài này, và những bài sau nữa nếu tôi duy trì được cái động lực này, là phương pháp TỰ HỌC Ở NHÀ hoàn toàn miễn học phí. Dĩ nhiên phải tốn tiền mua vài cái phần mềm và vài cuốn sách, trước khi bạn nghi ngờ thì, ê tôi không có bán, thề luôn, tôi không có bán cái gì cả, cũng không nhận tiền PR cho bất kỳ thứ gì mà tôi khuyên bạn là nên mua cả, nguyên tắc duy nhất là: tôi đã dùng, tôi thấy hiệu quả, tôi giới thiệu. -done-

Dĩ nhiên là tôi sẽ giới thiệu thêm vài người thầy người cô trên youtube mà tôi đã tham khảo trong những ngày học tiếng Trung. Well, kiến thức online miễn phí mà, sao lại không học theo?

Và nói điều cuối cùng, tôi trình bày không có tốt lắm, tôi nói rất nhiều, lắm lúc đang nói bí kíp học thì tôi sẽ chuyển qua kể chuyện sáng nay ăn gì...

Xin lỗi trước vì điều đó.

Cho nên mới có cái phần này tồn tại:

TLDR: tóm tắt nội dung trong trường hợp tôi đã quá lê thê và bạn thì không muốn đọc những éo le trong cuộc đời tôi mà chỉ muốn đọc cái bí kíp thôi.

1/ 10 tháng có nghĩa là 900 giờ, mỗi ngày 3 tiếng đồng hồ học.

2/ Dành cho những người không biết một chữ tiếng Trung nào, biết rồi cũng không sao.

3/ Điểm đến cuối cùng là đậu HSK5, không phải HSKK, không phải "có thể giao tiếp trơn tru với người bản địa Trung Quốc", "có thể đánh hàng Trung Quốc giá rẻ", càng không phải đậu thủ khoa.

4/ Không tiếp hội "học pinyin thôi có được không". Tuyệt đối không đón tiếp. Chỉ học pinyin thôi để nghe nói gì đó là lựa chọn của bạn, tôi tôn trọng điều đó. Nhưng tôi ghét nó. Không có mâu thuẫn giữa việc tôn trọng một thứ mà vẫn ghét nó.

5/ Trong trường hợp bạn không đọc cái tựa bài, đây là dành cho những người TỰ HỌC.
Mei. Được tạo bởi Blogger.
© 小鱼梦蓝天 2012 | Blogger Template by Enny Law - Ngetik Dot Com - Nulis